Đua nhau mở hãng hàng không, sân bay tân sơn nhất tắc nghẽn, phi công là ngành hót

1. Đua nhau mở hãng hàng không trên đất Việt

Năm 2019 sẽ là năm đánh dấu kỷ lục của ngành hàng không Việt Nam khi chỉ chưa tới một năm nhưng đã có đến 4 hãng hàng không dồn dập ra đời.2
Đua nhau mở hãng hàng không, sân bay tân sơn nhất tắc nghẽn, phi công là ngành hót

Nhiều ẩn số chưa thể dự báo, liệu có thực sự cất cánh hay việc thành lập hãng hàng không cũng chỉ là một trong những toan tính của các đại gia trong bài toán kinh tế?

Thị phần hàng không sẽ biến động

Đến thời điểm hiện tại, có đến 4 hãng hàng không của tư nhân đang xếp hàng chờ được cơ quan chức năng phê chuẩn cho bay. Thị trường hàng không náo nhiệt hơn bao giờ hết khi có tới 9 hãng hàng không cùng tham gia.

Tháng 7 vừa qua, Vietstar Airlines đã chính thức gia nhập thị trường hàng không khi được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ nhận khai thác máy bay (AOC).

Theo đó, Vietstar sẽ được khai thác thương mại với dòng máy bay phản lực Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300.

Ba tân binh khác là Vinpearl Air, Vietravel AirlinesKiteAir đang hoàn tất các thủ tục thành lập hãng và hứa hẹn sẽ sớm ra mắt trong thời gian ngắn sắp tới. Tới nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thẩm định, ủng hộ các điểm chính trong dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Tập đoàn Vingroup cũng như Vietravel Air của Công ty CP du lịch và tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel), đồng thời đã báo cáo 2 dự án trên lên Bộ GTVT.

Công ty CP hàng không Thiên Minh cũng đã gửi hồ sơ lên Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Nam đề xuất thành lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Thiên Minh Group cũng đang sở hữu Công ty CP hàng không Hải Âu kinh doanh hàng không chung với 4 thủy phi cơ cỡ nhỏ.

Chiếc bánh “hàng không” chắc chắn sẽ được phân chia lại nhưng chia như thế nào thì vẫn còn là một ẩn số. Bởi vài năm trở lại đây, thị phần hàng không Việt liên tiếp biến động.

Ước tính sơ bộ, đến tháng 6, thị phần của Vietnam Airlines và 2 công ty con (Jetstar Pacific và Vasco) khoảng 51%, Vietjet khoảng 41,3% (tỷ lệ này năm 2018 lần lượt là 56% và 44%), tân binh Bamboo Airways thuộc Tập đoàn FLC đạt khoảng 7%.


Nhưng, thị trường hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục được dự báo có tốc độ phát triển nhanh, mạnh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Các hãng hàng không nội địa liên tục báo lãi lớn qua các năm.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, năm 2018, toàn thị trường khai thác 296.516 chuyến bay, tăng tới 9% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm nay, tổng số chuyến bay là 153.559 chuyến, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về doanh thu, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt hơn 51.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.650 tỷ đồng, vượt 30% so với kế hoạch. Với Vietjet, theo công bố doanh thu hợp nhất 6 tháng đạt 26.301 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.398 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Còn tân binh Bamboo Airways dù mới cất cánh vào đầu năm 2019 nhưng số liệu vừa công bố cho thấy, doanh thu quý 2/2019 của hãng tăng mạnh, đạt 1.115 tỷ đồng, tăng tới hơn 242% so với quý 1.

Cuộc đua về giá vé và chất lượng

Việc thị trường có nhiều hãng hàng không cùng tham gia sẽ tăng tính cạnh tranh và người tiêu dùng sẽ được lợi về giá cả, về khuyến mại và chất lượng. Cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không thời gian tới chắc chắn sẽ đầy gay gắt, thậm chí là một cuộc đua tương đối khốc liệt về cả giá cả và chất lượng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ, tính tỷ lệ số người dân đi máy bay/1.000 dân của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khá thấp. Do vậy, thị trường hàng không vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, để cho các tân binh nhảy vào khai thác.

“Một thị trường có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp sản phẩm thì sẽ chia nhiều phân khúc, hành khách có nhiều lựa chọn hơn”- chuyên gia Lê Đăng Doanh cho hay.

Tuy vậy, cũng chuyên gia này cho rằng, về vấn đề điểm nghẽn hạ tầng, nhân lực để đảm bảo an toàn, an ninh hàng không cũng cần được tháo gỡ kịp thời, để hạ tầng không là bước cản đối với thị trường hàng không.

“Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là nhà quản lý trực tiếp cần tăng cường giám sát, đảm bảo các quy trình được vận hành chặt chẽ, không để các sự cố hàng không xảy ra nhiều, gây mất an toàn - an ninh hàng không” - chuyên gia Lê Đăng Doanh cho ý kiến.

Dù vậy, cũng có ý kiến ngờ vực, việc các đại gia ồ ạt xin thành lập hãng hàng không và hứa hẹn bay ngay trong thời gian ngắn cũng có thể là một trong những động thái để tăng vị thế doanh nghiệp, đẩy giá trị cổ phiếu... dù chưa biết kết quả cuối cùng ra sao.

2. Việt Nam mở nhiều hãng hàng không khiến Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn

Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn vì cứ 1,5 phút lại có một chuyến bay cất, hạ cánh

Là sân bay nhộn nhịp  bậc nhất của Việt Nam, thậm chí là trong khu vực nhưng sân bay Tân Sơn Nhất đang rơi vào cảnh tắc nghẽn từ trên trời tới mặt đất, trở thành nỗi ám ảnh của kiểm soát viên không lưu cũng như các hãng hàng không và hành khách.

Khai thác gấp đôi công suất

Theo số liệu thống kê, sản lượng hành khách thông qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2018 đạt 38,5 triệu hành khách, gấp 1,5 lần và vượt xa so với công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Tổng số lượt chuyến bay cất hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trung bình đạt hơn 700 chuyến bay/ngày. Năng lực thông qua đường cất hạ cánh đang được điều phối 44 chuyến bay/giờ, tức trung bình cứ 1 phút 20 giây lại có một máy bay cất hoặc hạ cánh.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết, tình hình tăng trưởng hoạt động bay nhanh chóng đã dẫn đến tình trạng quá tải từ trên trời cho đến đường cất hạ cánh, đường lăn, nhà ga và sân đỗ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại một số thời điểm, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý điều hành bay của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu.

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay có hai đường cất hạ cánh song song theo mô hình được xây dựng từ năm 1967 và được sử dụng theo chế độ khai thác phụ thuộc vào nhau.

Chế độ khai thác hai đường cất hạ cánh phụ thuộc vào nhau chỉ cho phép duy nhất một máy bay được cất cánh hoặc hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong cùng một thời điểm.

Do đó, vào những khung giờ cao điểm có nhiều máy bay đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu phải áp dụng các biện pháp sắp xếp, điều tiết thứ tự của các chuyến bay cất cánh và hạ cánh một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định của Việt Nam cũng như ICAO và trên hết là đảm bảo phân cách an toàn giữa các máy bay trên không cũng như dưới mặt đất.

Qua nhiều đợt nâng cấp, mở rộng nhưng tính theo diện tích thì sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay chỉ còn 1/4 đến 1/5 so với thời kỳ năm 1975 do sự phát triển đô thị hóa.

Với diện tích có hạn và bị bao quanh bởi các khu vực dân cư đông đúc, sân bay Tân Sơn Nhất khó có thể triển khai thực hiện các hạng mục cải tạo, mở rộng và nâng cấp lớn liên quan đến hạ tầng đường cất hạ cánh để đáp ứng được yêu cầu hoạt động bay ngày càng tăng cao.

Ngoài ra, các đường lăn thoát ly cho máy bay hạ cánh được thiết kế trước năm 1975 hiện nay đã không còn phù hợp với các loại máy bay mới thường có kích thước và tải trọng lớn hơn nhiều so với các loại máy bay khai thác trước năm 1975.

"Cứu" Tân Sơn Nhất như thế nào?

Theo nhận định của VATM, việc các máy bay thường xuyên gặp trì hoãn, chậm trễ trong quá trình đẩy lùi, di chuyển và xếp hàng để cất cánh trên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất chủ yếu là do năng lực bị giới hạn bởi mô hình cấu trúc cơ sở hạ tầng đường cất hạ cánh, đường lăn và sân đỗ không phù hợp với tình hình mới để đáp ứng được nhu cầu hoạt động bay ngày càng cao.

Mặc dù, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã hoàn thành dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự giúp tăng tổng số vị trí bến đỗ hiện tại lên 105 vị trí, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt.

Được biết, trong thời gian tới, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 giúp giảm áp lực quá tải cho nhà ga T1 và T2, nâng cao công suất và năng lực thông qua của cơ sở hạ tầng sân bay mới là lời giải căn cơ cho tình trạng tắc nghẽn từ vùng trời tới mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.

Ngoài ra, khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, sẽ chia lửa cho Tân Sơn Nhất, khắc phục triệt để tình trạng quá tại tại sân bay này.

Theo VATM, từ ngày 10/10/2019, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ triển khai áp dụng hệ thống các phương thức bay đi, đến và tiếp cận mới được tối ưu hóa. Cơ quan quản lý cũng sẽ áp dụng phương án phân chia phân khu kiểm soát mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 7/11/2019 nhằm nâng cao năng lực thông qua của khu vực hoạt động tại sân bay, giảm tình trạng nghẽn sóng liên lạc và đảm bảo an toàn điều hành bay trong khu bay.

3. Không những nóng về giao thông, mà "phi công" cũng đang rất nóng

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng phi công là tài nguyên quốc gia, không để xảy ra tình trạng giành giật phi công, và không được tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng.

Đó là những yêu cầu được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác an ninh hàng không 6 tháng đầu năm 2019.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thông tin, trong 7 tháng đầu năm, an toàn hàng không cơ bản được đảm bảo tốt, không có tai nạn, sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B); các sự cố uy hiếp an toàn bay ở mức C cũng giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Liên quan đến một loạt vụ tai nạn hàng không với loại Boeing 737 Max, hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi, chờ kết luận điều tra nguyên nhân tai nạn tàu bay, việc khắc phục đối với tàu bay này, kiểm nghiệm hoạt động khai thác loại máy bay này trên thế giới trước khi quyết định việc cho phép khai thác Boeing 737 Max tại Việt Nam.

Ghi nhận những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không 6 tháng đầu năm 2019.

Điển hình như việc còn để xảy ra một số vụ như trộm cắp tài sản, hành khách mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật phẩm nguy hiểm sai quy định; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay; gây rối trật tự công cộng, đe doạ nhân viên hàng không, như vụ hành khách say rượu có hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Phó Thủ tướng, là do lỗ hổng về pháp lý và thiếu tuân thủ quy trình xử lý, năng lực chuyên môn, tính chủ động chưa cao của đội ngũ nhân viên hàng không.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng đội tàu bay dẫn đến nhu cầu cao về nguồn lực của người lái tàu bay, nhân viên bảo dưỡng tàu bay, tiếp viên hàng không và đòi hỏi nguồn lực của nhà chức trách hàng không cho công tác giám sát an toàn hàng không.

Với tình trạng các hãng đang sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao, nhiều quốc tịch (lên đến 50 quốc tịch), Phó Thủ tướng đánh giá việc này “có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá”.

Phó Thủ tướng cho rằng, phi công do Nhà nước đào tạo là tài nguyên quốc gia, và yêu cầu không để xảy ra tình trạng giành giật phi công trong nước hay cạnh tranh không lành mạnh.

Cùng với đó, không được quảng cáo quá năng lực của hãng hàng không; không tăng chuyến để buộc phi công phải quay vòng nhanh.

Phó Thủ tướng nhắc nhở phải hướng đến ngành hàng không lành mạnh, tăng vị thế quốc gia, tránh mặt trái của kinh tế thị trường, phải làm cho đàng hoàng, phát triển đúng chiến lược về nguồn nhân lực, tàu bay.

Nguồn: anninhthudo

0 Nhận xét